Cách dùng
- Thuốc dùng đường uống.
- Dùng hàng ngày vào cùng thời điểm, theo hướng mũi tên, trong 21 ngày liên tiếp sau đó ngưng thuốc 7 ngày. Sau 7 ngày ngưng thuốc, dùng vỉ tiếp theo vào ngày thứ 8 ngay cả khi vẫn còn hành kinh.
Liều dùng
- Nếu trước đó không dùng thuốc tránh thai nội tiết: bắt đầu uống viên đâu tiên vào ngày 1 của chu kì. Bắt đầu vào ngày thứ 2 - 5 của chu kỳ: cần thêm biện pháp tránh thai cơ học trong 7 ngày đầu. Nếu chu kỳ kinh nguyệt đã bắt đầu hơn 5 ngày trước đó: nên đợi chu kỳ tiếp theo.
- Đổi từ thuốc tránh thai nội tiết phối hợp khác sang Belara: bắt đầu Belara vào ngày tiếp theo sau khoảng thời gian ngưng thuốc hoặc sau khoảng thời gian dùng viên giả dược.
- Đổi từ thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen: Bắt đầu Belara ngay sau khoảng thời gian ngưng thuốc và thêm biện pháp tránh thai cơ học trong 7 ngày đầu.
- Sau sảy thai/phá thai trong 3 tháng đầu thai kỳ: Dùng Belara ngay sau sảy thai/phá thai trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Sau sinh con/sau sảy thai/phá thai trong 3 tháng giữa thai kỳ: Nếu không cho con bú, dùng thuốc từ ngày 21-28 sau sinh, không cần thêm biện pháp tránh thai cơ học; nếu bắt đầu sau ngày 28, cần thêm biện pháp tránh thai cơ học trong 7 ngày đầu; nếu đã quan hệ, cần loại trừ khả năng có thai hoặc đợi chu kỳ tiếp theo.
Dùng thuốc không thường xuyên:
Nếu quên 1 viên nhưng đã uống lại trong vòng 12 giờ thì vẫn tiếp tục dùng thuốc như bình thường.
Nếu quá 12 giờ mới dùng lại, phải uống ngay viên cuối cùng bị quên, thậm chí uống 2 viên cùng lúc, các viên khác dùng như thường lệ, cần dùng biện pháp tránh thai cơ học (bao cao su) trong 7 ngày tiếp theo.
- Khi bị nôn hoặc tiêu chảy: Nếu nôn trong vòng 4 giờ sau uống thuốc hoặc tiêu chảy nặng tiến triển, thuốc có thể không hấp thu hoàn toàn, tác dụng tránh thai không được đảm bảo. Thực hiện theo chỉ dẫn ở mục "dùng thuốc không thường xuyên".
- Trì hoãn kinh nguyệt: bỏ qua 7 ngày ngưng thuốc, dùng tiếp ngay vỉ Belara khác. Có thể kéo dài theo ý muốn đến khi kết thúc vỉ thứ 2. Có thể gặp xuất huyết lấm tấm hoặc xuất huyết ngoài chu kỳ.
- Dời kinh nguyệt sang ngày khác trong tuần: có thể rút ngắn khoảng thời gian ngưng thuốc với số ngày mong muốn; có thể không thấy kinh, xuất huyết lấm tấm hoặc xuất huyết ngoài chu kỳ.
Tác dụng phụ
- Phổ biến: Xuất huyết ngoài chu kỳ kinh, xuất huyết lấm tấm (thường giảm khi tiếp tục dùng Belara), đau đầu và khó chịu vùng ngực.
- Mẫn cảm; tâm rạng chán nản, căng thẳng; chóng mặt, đau nửa đầu; rối loạn thị giác; viêm kết mạc, không dung nạp kính áp tròng; mất thính lực đột ngột, ù tai; tăng huyết áp, hạ huyết áp, ngừng tuần hoàn, suy tĩnh mạch, huyết khối động mạch hoặc tĩnh mạch; buồn nôn; đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy; mụn trứng cá; rối loạn sắc tố, nám da, rụng tóc, da khô; mề đay, chàm, ban đỏ, ngứa, bệnh vảy nến trầm trọng hơn, "hội chứng người sói"; bệnh hồng ban nút; cảm giác nặng nề; đau lưng; rối loạn cơ; tăng tiết dịch âm đạo, đau bụng kinh, vô kinh; đau bụng dưới; tự tiết sữa, u sợi tuyến vú, nhiếm Candida âm đạo; vú to, viêm âm hộ âm đạo, rong kinh, hội chứng tiền kinh nguyệt; dễ bị kích thích, mệt mỏi, phù, tăng cân, tăng tiết mồ hôi; chán ăn; thay đổi lipid máu bao gồm tăng triglycerid máu.
Thận trọng khi sử dụng
- Các trường hợp cần giám sát y tế đặc biệt: động kinh; xơ cứng bì rải rác; uốn ván; đau nửa đầu; hen phế quản; suy tim, suy thận; múa giật nhẹ; đái tháo đường; bệnh lý gan; rối loạn lipoprotein máu; bệnh tự miễn; béo phì; tăng huyết áp; lạc nội mạc tử cung; giãn tĩnh mạch; viêm tĩnh mạch; rối loạn đông máu; bệnh tuyến vú; u cơ tử cung; herpes sinh dục; trầm cảm; viêm ruột mạn tính.
- Khám lâm sàn/tư vấn: Trước khi bắt đầu dùng Belara, xem xét toàn bộ tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, loại trừ khả năng mang thai. Khám lâm sàng: đo huyết áp, kiểm tra ngực, bụng, cơ quan sinh dục trong và ngoài, các xét nghiệm cần thiết. Cần khám lâm sàng thường xuyên do các chống chỉ định hoặc yếu tố nguy cơ có thể xuất hiện trong thời gian đầu dùng thuốc. Lưu ý nguy cơ huyết khối động/tĩnh mạch, triệu chứng huyết khối động/tĩnh mạch, các yếu tố nguy cơ đã biết, những việc cần làm khi nghi ngờ có huyết khối. Thuốc không bảo vệ khỏi bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Giảm hiệu quả: Quên uống thuốc, nôn hoặc rối loạn tiêu hóa, dùng đồng thời dài ngày với một số thuốc, các tình trạng rối loạn chuyển hóa hiếm gặp có thể làm giảm hiệu quả tránh thai.
- Xuất huyết lấm tấm/xuất huyết ngoài chu kỳ: Các thuốc tránh thai nội tiết đều có thể gây chảy máu âm đạo bất thường (xuất huyết lấm tấm, xuất huyết ngoài chu kỳ) đặc biệt trong một vài chu kỳ đầu. Nếu xuất huyết dai dẳng hoặc xảy ra khi chu kỳ trước đó bình thường, nên thăm khám để loại trừ có thai hoặc rối loạn cơ quan. Ra máu giữa kỳ có thể là dấu hiệu giảm hiệu quả.
- Vô kinh: Đôi khi, đặc biệt trong một vài tháng đầu, có thể không thấy kinh, đây không phải là dấu hiệu thuốc giảm tác dụng. Nếu dùng thuốc thường xuyên, ngưng thuốc không quá 7 ngày, không dùng đồng thời với thuốc khác, không bị nôn hoặc tiêu chảy mà không thấy kinh, người dùng không có khả năng có thai, có thể tiếp tục dùng Belara. Nếu đã dùng Belara không đúng hướng dẫn trước khi vô kinh lần đầu hoặc vô kinh trong 2 chu kỳ liên tiếp, phải loại trừ khả năng mang thai trước khi tiếp tục dùng thuốc.
Phụ nữ mang thai và cho con bú:
- Thời kỳ mang thai: Không dùng Belara trong thai kỳ, trước khi dùng phải loại trừ khả năng có thai. Trong khi dùng Belara mà phát hiện có thai, phải ngừng thuốc ngay. Không có bằng chứng về khả năng gây quái thai hoặc độc tính lên thai nhi khi dùng estrogen kết hợp progestogen khác với liều tương tự Belara. Không có dữ liệu lâm sàng cho thấy bất cứ độc tính nào trên thai nhi của chlormadinon acetat.
- Thời kỳ cho con bú: Không dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú.
Tương tác thuốc
- Giảm nồng độ ethinylestradiol huyết thanh: thuốc làm tăng nhu động dạ dày ruột (metoclopramid), làm giảm hấp thu (than hoạt); chất gây cảm ứng enzym microsom gan: rifampicin, rifabutin, barbiturat), thuốc chống động kinh (carbamazepin, phenytoin, topiramat), griseofulvin, barbexaclon, primidon, modafinil, thuốc ức chế protease (ritonavir), cỏ thánh John; một số kháng sinh (ampicillin, tetracyclin). Khi điều trị với các thuốc này, dùng thêm biện pháp tránh thai cơ học và trong 7 ngày sau đó. Với các hoạt chất làm giảm nồng độ ethinylestradiol huyết thanh do gây cảm ứng enzym microsom gan, cần dùng thêm biện pháp tránh thai cơ học tới 28 ngày sau khi ngừng điều trị.
- Làm tăng nồng độ ethinylestradiol huyết thanh: acid ascorbic, paracetamol; atorvastatin; thuốc kháng nấm nhóm imidazol (fluconazol), indinavỉ, troleandomycin.
- Ethinylestradiol làm tăng nồng độ huyết thanh của: diazepam, ciclosporin, theophylin, prednisolon;
- Ethinylestradiol làm giảm nồng độ huyết thanh của: clofibrat, paracetamol, morphin, lorazepam. Tác dụng của insulin và thuốc trị đái tháo đường đường uống có thể thay đổi do thuốc ảnh hưởng lên sự dung nạp glucose.
- Các xét nghiệm: thuốc có thể ảnh hưởng một số xét nghiệm chức năng gan, thượng thận, tuyến giáp, nồng độ huyết tương các protein (SHBG, lipoprotein), chuyển hóa carbohydrat, đông máu và tiêu fibrin.